Chủ Nhật, 17 tháng 4, 2016

Làm rõ thủ đoạn làm giả văn bằng, chứng chỉ giả

(ANTV) - Liên quan đến đường dây làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội đã bàn giao hồ sơ vụ án vụ án và đối tượng và Nguyễn Anh Đào, (tức Dũng) cho cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Vĩnh Yên để tiếp tục điều tra theo thẩm quyền.

Quá trình điều tra mở rộng vụ án, đến nay Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Vĩnh Yên đã làm rõ đối tượng trực tiếp sản xuất văn bằng, chứng chỉ giả là Nguyễn Văn San, sinh năm 1984, trú tại huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, đồng thời cơ quan Cảnh sát điều tra thành phố đã ra quyết định khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với 2 đối tượng trên về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức.

Tại cơ quan Công an, các đối tượng khai nhận, vào khoảng tháng 10/2015, Nguyễn Văn San có quen biết với Dũng, tên thật là Nguyễn Anh Đào. Quá trình gặp gỡ Đào đặt vấn đề với San về việc muốn tìm một người làm văn bằng, chứng chỉ giả để kiếm tiền. Do hiểu biết về chỉnh sửa kỹ thuật ảnh nên San nhận lời và thỏa thuận với Đào về giá cả giao dịch từ 500 đến 3 triệu đồng đối với một văn bằng, hoặc chứng chỉ giả.

Về phía Nguyễn Anh Đào, sau khi San nhận lời, Đào đã lập trang web để quảng cáo rao bán văn bằng, chứng chỉ giả trên mạng xã hội và lấy tên giả là Dũng. Khi khách hàng có yêu cầu làm bằng giả, Đào là người nhận hợp đồng với khách, sau đó chuyển thông tin cá nhân qua mạng xã hội Zalo cho San để sản xuất các văn bằng, chứng chỉ giả bằng công nghệ in màu trên máy tính.

Sau đó sử dụng công nghệ in lưới, ép plastic. Khi hoàn thành văn bằng, chứng chỉ giả San liên hệ với Đào để giao tài liệu, còn tiền thì Đào sẽ giao dịch với San bằng cách nạp vào tài khoản ngân hàng có địa chỉ tại thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Đối tượng Nguyễn Văn San khai: sau khi anh Dũng gửi nội dung các thông tin cho khách hàng thì em lên mạng down thông tin tài liệu về để làm theo và làm photoshop chỉnh sửa và làm in ra các văn bằng chứng chỉ.

Hai đối tượng tại cơ quan điều tra

Trong quá trình điều tra, cơ quan Cảnh sát điều tra thu giữ 1 máy tính xách tay, 1 máy in, 1 thẻ ATM nhiều văn bằng, chứng chỉ, bảng điểm giả cũng như các tang vật liên quan đến việc sản xuất văn bằng, chứng chỉ giả. Cơ quan Công an đã tiến hành trưng cầu giám định đối với một số văn bằng, chứng chỉ do Đào cung cấp cho Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an.

Thiếu tá Nguyễn Anh Dũng - Phó thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra CA thành phố Vĩnh Yên cho biết sau khi tiếp nhận tiếp nhận hồ sơ vụ Nguyễn Anh Đào làm giả giấy tờ văn bằng chứng chỉ cơ quan đã khởi tố bị can Nguyễn Anh Đào và Nguyễn Văn San ở Phú Thọ về hành vi làm giả giấy tờ tài liệu của tổ chức theo điều 267 của luật hình sự nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa việt nam.

Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc đang tiếp tục đấu tranh mở rộng vụ án liên quan đến đường dây làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức, đồng thời củng cố hồ sơ để xử lý các đối tượng theo quy định của pháp luật.

Theo: ANTV

Thứ Ba, 5 tháng 4, 2016

Bạn bất đồng với sếp? Đây là cách giúp ý kiến của bạn được sếp lắng nghe nhất

Sếp bạn đề xuất một ý tưởng mới, nhưng bạn nghĩ sẽ không hiện thực hóa được. Đồng nghiệp cấp cao vạch ra tiến độ dự án nhưng bạn nghĩ điều đó chẳng thực tế chút nào. Nhưng bạn phải làm gì để bày tỏ sự bất đồng của mình với những người đầy “quyền lực”? Làm sao bạn dám chắc ý kiển của mình đáng để lên tiếng? Và giả như bạn quyết định vậy đi, thì chính xác bạn phải nói những gì?

Bạn bất đồng với sếp? Đây là cách giúp ý kiến của bạn được sếp lắng nghe nhất

Theo các chuyên gia, phản ứng tự nhiên của con người thường sẽ né tránh việc bất đồng quan điểm với cấp trên.

Họ cho rằng: Cơ thể chúng ta sinh ra đã có ý thức bản năng sinh tồn, nên chúng ta sẽ tự nhiên mà tránh xa bất cứ điều gì gây hại cho bản thân. Yếu tố chính gây ra nỗi lo sợ này chính là cảm giác sẽ có những tác động tiêu cực. Lúc đó chúng ta sẽ lập tức nghĩ rằng: “Sếp chắc sẽ không thích mình” hay “Sếp sẽ nghĩ mình là kẻ phiền nhiễu, rắc rối.”

Thậm chí có thể “Chắc mình sắp bị sa thải mất rồi!”. Mặc dù lựa chọn đồng tình luôn rất dễ dàng, nhưng các chuyên gia cho rằng làm vậy không phải lúc nào cũng đúng. Dưới đây là cách mà bạn thể hiện quan điểm bất đồng với những người “quyền lực” hơn bạn.

1. Hãy thực tế với những rủi ro

Hầu hết mọi người đều có xu hướng quan trọng hóa những rủi ro khi nói lên chính kiến. Xu hướng tự nhiên của chúng ta là tưởng tượng việc mình làm sẽ là sai lầm khủng khiếp.

Vâng, đương nhiên đồng nghiệp hay sếp bạn sẽ ngạc nhiên và có chút khó chịu ban đầu. Nhưng không đến nỗi bạn bị sai thải hay trở thành kẻ thù trọn kiếp với họ.

Vì thế, trước tiên hãy nghĩ tới những rủi ro khi bạn KHÔNG LÊN TIẾNG – có lẽ dự án sẽ đi chệch hướng hay bạn sẽ mất lòng tin của nhóm mình – sau đó hãy đặt lên bàn cân một cách thực tế xem liệu những rủi ro khi không nói so với những hậu quả tiềm tàng của việc lên tiếng.

2. Quyết định xem có nên chờ đợi hay không

Sau khi đánh giá rủi ro, bạn có thể quyết định tốt nhất là giữ kín ý kiến bản thân. Có lẽ bạn đã không nghĩ về vấn đề một cách thông suốt, toàn bộ cuộc thảo luận khiến bạn bất ngờ, hoặc bạn muốn rõ ràng hơn về ý kiến cả nhóm.

Nếu bạn nghĩ rằng những người khác cũng sẽ không đồng tình, bạn có thể tự mình thiết lập “một đội quân” trước. Mọi người có thể đóng góp kinh nghiệm hay những thông tin cho quan điểm của bạn – tất cả những điều đó khiến cho quan điểm bất đồng của bạn ngày càng mạnh mẽ và có giá trị.

Cũng không tồi nếu bạn có thể trì hoãn ý kiến trong một buổi họp hay không gian đông người. Thảo luận riêng tư nhiều khi khiến những người quyền lực cảm thấy dễ chịu hay ít bị đe dọa.

3. Vì một mục tiêu chung

Trước khi bạn chia sẻ ý kiến của mình, hãy nghĩ xem liệu người sếp hay cấp trên quyền lực của bạn quan tâm tới điều gì – đó có thể chỉ đơn thuần là sự tín nhiệm của cả nhóm hay hoàn thành đúng thời hạn dự án. Bạn có nhiều khả năng được lắng nghe ý kiến nếu bạn kết nối quan điểm bất đồng của mình với “mục tiêu cao cả”.

Khi lên tiếng, hãy nghĩ tới bối cảnh bạn nói, khi đó bạn sẽ được nhìn nhận như đang tích cực đóng góp ý kiến vào mục tiêu chung chứ chẳng phải đi lăng mạ người khác. Các cuộc thảo luận sau đó sẽ dễ dàng hơn rất nhiều cho bạn.

4. Xin phép để biểu thị quan điểm không đồng tình

Bước này nghe vẻ quá tôn kính, nhưng đó là một cách thông minh để giúp sếp bạn cảm thấy “an toàn về mặt tâm lý” và có thể kiểm soát. Bạn có thể nói điều gì đó giống như: “Tôi biết chúng ta dường như đang cố gắng đạt chỉ tiêu như cam kết.

Nhưng tôi có một vài lý do cho rằng điều đó không khả thi. Liệu tôi có thể nói lên những lý do đó?” Điều đó giúp cho mọi người lựa chọn “cho phép nói”; và giả sử họ đồng tình thì bạn càng cảm thấy tự tin hơn để bày tỏ quan điểm bất đồng.

5. Bình tĩnh

Bạn sẽ cảm thấy hồi hộp như rớt tim ra ngoài, nhưng dù điều gì xảy ra, hãy duy trì sự trung lập trong cả lời nói và hành động. Khi cơ thể bản giao tiếp miễn cưỡng hay lo lắng, nó sẽ giảm tải hiệu quả thông điệp, như một mớ hỗn độn và đồng nghiệp của bạn phải lựa chọn đâu là thứ cần nghe.

Hít một hơi thật sâu có thể giúp bạn nói từ tốn và nhấn mạnh ý chính, thay vì nói nhanh và to hơn khi thấy hoảng sợ. Điều đó còn giúp bạn cảm thấy tự tin cho dù bạn đang cảm thấy bối rối.

6. Xác nhận quan điểm ban đầu

Sau khi bạn đã được đồng thuận để phát biểu, hãy trình bày thật rõ quan điểm quan điểm ban đầu để giám chắc bạn hiểu đúng ý. Sau đó mới trình bày rõ ràng ý tưởng, ý kiến hay đề nghị bạn muốn đưa ra là gì?

7. Đừng đưa ra bất kỳ phán xét nào

Khi bạn bày tỏ quan ngại của mình, hãy chú ý cẩn thận với lời nói. Để tránh những từ ngữ mang tính “phán xét người khác” như kiểu “ngu ngốc”, “tầm nhìn ngắn hạn” hay “vội vàng”; bạn nên cắt bỏ tất cả các tính từ trong lời nói vì họ có khả năng dễ hiểu nhầm hoặc cho rằng bạn đang ám chỉ điều gì. CHỈ NÓI VỀ NHỮNG CON SỐ THỰC TẾ.

Ví dụ: thay vì nói “Tôi nghĩ rằng mục tiêu quý đầu thật ngây thơ” thì bạn hãy nói: “Chúng tôi đã thử 4 lần mục tiêu quý như vậy rồi nhưng chỉ có 2 lần đạt mốc với những điều kiện hết sức đặc biệt.” Đưa ra vấn đề một cách sống động, cố gắng tạo quan điểm bất đồng thật trung thực, như một tiến bộ đáng giá trong cách nghĩ sẽ giúp bạn ghi điểm.

8. Hãy khiêm tốn

Nhấn mạnh lại rằng bạn đang đưa ra ý kiến cá nhân, không phải là “tin mừng” gì cả. Cho dù ý kiến của bạn mang đầy đủ thông tin đã được nghiên cứu kỹ càng. Nhưng dù gì nó vẫn chỉ là 1 ý kiến, vì thế hãy nói ngập ngừng để giảm bớt sự tự tin.

Thay vì nói: “Nếu chúng ta vẫn thiết lập một mục tiêu cho quý tới như thế, chúng ta sẽ không thể làm được.” thì hãy nói “Đây chỉ là quan điểm cá nhân, nhưng tôi hy vọng chúng ta vẫn sẽ đạt được mục tiêu quý.”

Điều này sẽ giúp cuộc đối thoại dễ dàng tiếp diễn. Đồng thời, hãy nhớ nhắc mọị người đây chỉ là ý kiến của bạn và mời mọi người phản biện. Ví dụ như: “Nói với tôi rằng mình đã sai với quan điểm này” sẽ tạo ra sự cởi mở trong lắng nghe ý kiến.

9. Thừa nhận quyền lực của họ

Cuối cùng, những người có quyền sẽ đưa ra quyết đinh. Bạn có thể nói: “Tôi biết anh có tiếng nói cuối cùng tại đây. Điều này tùy thuộc vào anh.” Điều đó không chỉ cho thấy bạn biết vị trí bản thân mà còn nhắc nhở người đó rằng họ có quyền lựa chọn.

Nhưng đừng quay lưng vào chính ý kiến bản thân hay khen người ta một cách giả tạo. Bạn hãy cố gắng thể hiện sự tôn trọng người khác trong khi cần phải phải duy trì sự tôn trọng cho chính bản thân.

NHỮNG NGUYÊN TẮC CẦN NHỚ:

Nên làm:

- Giải thích rằng bạn có ý kiến khác và mong muốn được phát biểu

- Nhắc lại quan điểm hay quyết định ban đầu để chứng minh bạn hiểu rõ vấn đề.

- Nói từ tốn – giúp bạn bình tĩnh và người khác dễ đón nhận quan điểm.

Không nên làm:

- Cho rằng việc bất đồng quan điểm sẽ làm hỏng mối quan hệ cũng như sự nghiệp của bạn – hậu quả thường không đến mức đó.

- Nêu quan điểm của bạn như một điều hiển nhiên; hãy đơn thuần chỉ bày tỏ quan điểm và cởi mở trong cuộc thảo luận.

- Sự dụng những từ ngữ mang tính đánh giá người khác như “vội vàng”, “ngu ngốc” hay “sai” có thể khiến đồng nghiệp cảm thấy thiếu tôn trọng.


Ngọc Quân

Theo Trí Thức Trẻ/HBR